Viêm amidan ở trẻ có nguy hiểm không? Nhận biết và chăm sóc như thế nào

Viêm Amidan là bệnh lý thường gặp ở trẻ em và hay tái phát khi thời tiết thay đổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây ra cho trẻ nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ tim, nhiễm trùng huyết…Vậy làm thế nào để nhận biết và có biện pháp chăm sóc trẻ mắc viêm Amidan đúng cách, cha mẹ hãy cùng theo dõi qua bài viết dưới đây nhé.

Vì sao trẻ hay mắc viêm Amidan?

Amidan là tổ chức lympho có vai trò miễn dịch tại chỗ, chống lại sự xâm nhập và tấn công của các tác nhân gây bệnh từ môi trường như vi khuẩn, virus. Vị trí của amidan nằm ở ngay trong họng, gồm amidan khẩu cái, amidan vòm, amidan vòi và amidan lưỡi. Trong đó amidan khẩu cái có kích thước lớn, nằm ngay hai bên thành họng nên thường bị tấn công. Hầu hết khi trẻ bị viêm amidan là viêm tại vị trí này.

Mặc dù có vai trò miễn dịch nhưng khi số lượng vi khuẩn, virus quá nhiều hoặc trẻ nhỏ sức đề kháng suy giảm, amidan không thể chống lại được và trở thành cơ quan bị tấn công và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Các ổ viêm sẽ phát triển tại amidan và gây viêm vùng họng, lan dần sang các cơ quan bên cạnh.

Trẻ nhỏ là đối tượng thường mắc viêm amidan nhất do hệ miễn dịch của trẻ yếu, khả năng chống lại virus, vi khuẩn kém. Hoạt động miễn dịch của amidan hoạt động mạnh nhất ở trẻ từ 4 – 10 tuổi, sau đó khả năng miễn dịch yếu dần là lúc amidan dễ bị viêm nhiễm nếu tiếp xúc thường xuyên với tác nhân gây bệnh.

Bị viêm họng bao lâu thì khỏi?

Trẻ bị viêm Amidan có những triệu chứng gì?

Viêm amidan có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào trong đó trẻ nhỏ từ 3 – 5 tuổi dễ mắc bệnh nhất. Trẻ bị viêm amidan thường có những cơn ho dài, cổ họng đau rát, khó chịu, chèn ép đường thở và gặp khó khăn trong việc ăn uống. Cha mẹ có thể quan sát thấy các triệu chứng cụ thể như sau

Amidan bị sưng to, tấy đỏ

Cha mẹ có thể kiểm tra bằng cách sử dụng đèn pin nhỏ cùng dụng cụ để ấn lưỡi của trẻ xuống, sau đó chiếu vào vùng họng để quan sát. Vị trí amidan của trẻ có xuất hiện các đốm trắng nhỏ ở bề mặt, đỏ và sưng hơn bình thường nghĩa là đang bị viêm sưng amidan.

Hơi thở có mùi hôi

Mặc dù trẻ đánh răng, vệ sinh răng miệng thường xuyên nhưng hơi thở vẫn có mùi hôi rõ rệt thì có thể do viêm amidan. Dịch mủ cùng với sự tích tụ của vi khuẩn, chất thải của chúng là nguyên nhân tạo ra mùi hôi khó chịu cho khoang miệng và cũng gây độc cho amidan.

Trẻ thấy đau và vướng khi nuốt nước bọt

Triệu chứng này khá giống với trường hợp đau do viêm họng, khiến trẻ khó chịu khi nuốt thức ăn và vì vậy sẽ lười ăn hơn, thậm chí bỏ bữa.

Trẻ ho nhiều

Viêm amidan không chỉ ảnh hưởng đến amidan mà còn ảnh hưởng đến các vùng niêm mạc họng xung quanh. Từ đó sẽ khiến trẻ cảm giác ngứa, khó chịu ở cổ họng dẫn đến ho, có đờm, khàn giọng.

Sốt

Viêm amidan thường không gây sốt cao nếu phát hiện sớm, song trẻ vẫn thường sốt nhẹ kéo dài.

Ù tai và đau nhức trong tai

Tai, mũi và họng là ba cơ quan thông nhau, do vậy viêm amidan kéo dài có thể tác động đến hai cơ quan còn lại là tai và mũi. Thường khi triệu chứng này đã xuất hiện cho thấy viêm amidan nặng và có biến chứng, cần điều trị tích cực viêm amidan cùng các bệnh lý ở cơ quan khác.

Chăm sóc trẻ bị viêm amidan đúng cách

Hướng dẫn hỗ trợ điều trị viêm amidan ở trẻ tại nhà

– Thường xuyên theo dõi nhiệt độ cơ thể của trẻ. Nếu trẻ sốt cao có thể hạ sốt bằng Paracetamol liều lượng theo cân nặng và hướng dẫn của thầy thuốc. Để giảm sốt cần kết hợp với lau mát bằng nước ấm, mặc đồ thông thoáng cho trẻ và bổ sung uống nhiều nước, giúp cho cơ thể hạ sốt và không mất nước.

– Do sốt và đau hầu họng nên trẻ sẽ quấy khóc, ăn kém, vì vậy cha mẹ nên cho ăn thức ăn lỏng dễ nuốt như sữa hoặc cháo, không nên nài ép trẻ.

– Vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, súc họng bằng nước muối ấm vài lần trong ngày có thể giúp làm giảm đau họng. Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều, nên ở nhà cho tới khi không còn sốt và cảm thấy khỏe hơn.

Phòng ngừa viêm amidan ở trẻ thế nào?

Giữ ấm cho trẻ

Thời tiết lạnh đột ngột nếu trẻ không được giữ ấm tốt, nhất là vùng cổ thì rất dễ bị sưng, viêm amidan. Vì thế hãy đảm bảo giữ ấm cho trẻ, nhất là thời điểm giao mùa.

Đeo khẩu trang

Đeo khẩu trang là việc cần thiết khi trẻ ra đường hoặc tới nơi đông người. Khẩu trang sẽ tạo 1 lớp ngăn cách giảm thiểu vi khuẩn, virus lây nhiễm hay khói bụi, khói thuốc lá làm kích thích amidan gây viêm sưng.

Tạo môi trường sống lành mạnh

Trẻ được sống trong môi trường không khí sạch, thoáng mát, ít khói bụi, khói thuốc lá hay vi khuẩn thì amidan và sức khỏe của trẻ cũng được bảo vệ tốt hơn.

Tăng sức đề kháng cho trẻ

Trẻ có hệ miễn dịch và đề kháng khỏe mạnh sẽ giúp bảo vệ con trước sự tấn công của mầm bệnh, virus, vi khuẩn. Mẹ có thể tăng cường đề kháng cho bé bằng cách tăng cường vitamin A, vitamin C, selen, kẽm,…có trong thức ăn, rau củ, trái cây, hoặc bổ sung từ các sản phẩm hỗ trợ tăng sức đề kháng khác phù hợp cho bé.

Bé nhà mình có đang ho đàm, sổ mũi, viêm họng tái đi tái lại, phải dùng kháng sinh triền miên không? Ba mẹ hãy để lại thông tin để được tư vấn nhanh nhất nhé

    BÀI VIẾT LIÊN QUAN

    DƯỢC SĨ TƯ VẤN

    Bé nhà ba mẹ thường xuyên bị ho, ho có đờm (đàm), sổ mũi, viêm họng, dùng kháng sinh cứ đỡ rồi bị tái lại?

    Ba mẹ hãy đăng ký ngay tại đây, chuyên gia sẽ tư vấn trực tiếp cho ba mẹ ngay: